Lượt xem 631 Cỡ chữ
Khi cả thị trường nghĩ tới một năm thất bát vì dịch bệnh thì chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ xuất hiện, khiến mọi thứ quay đầu.
Tháng 10, nguồn tin của Toyota Việt Nam cho biết hãng này nhận tới 4.000 đơn hàng cho Vios, giao được 3.443 chiếc, tức chỉ đáp ứng được khoảng 86%. So với tháng 9, doanh số Vios tháng 10 tăng hơn 500 xe. Số đơn hàng vượt qua cả mục tiêu của hãng, thậm chí một vài nhân viên ở bộ phận làm kế hoạch bán hàng phải thốt lên "không hiểu vì sao Vios bán chạy thế". Thực tế, đại lý cho biết, khách đang cố mua xe trong 2020 để tận dụng 50% lệ phí trước bạ nên đơn hàng tăng vọt.
Ở một phân khúc xa xỉ hơn, đắt gấp 3-4 lần Vios là Mercedes GLC, mẫu xe sang lắp ráp trong nước cũng đang cháy hàng. Vài tháng trước, người có nhu cầu mua xe hỏi nhau khi nào thì hãng giảm giá nhiều nhất, nhưng một tháng qua, câu cửa miệng chuyển thành "bao giờ nhận được xe". Nhiều khách hàng thậm chí đổi màu, đổi phiên bản chỉ để được nhận xe trong 2020, trước khi mức giảm lệ phí trước bạ 50% hết hiệu lực.
Toyota, Mercedes hay nhiều hãng có xe lắp ráp từ bình dân tới hạng sang ở Việt Nam đang hưởng lợi nhờ chính sách của Chính phủ. Hồi đầu năm, khi Covid-19 mởi ở giai đoạn 1, các hãng đã kêu khó, dự đoán cho một năm kinh doanh bết bát.
Cuối tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% trong 2020, hiệu lực 28/6-31/12. Tức là với ôtô con, khách hàng Hà Nội chỉ phải trả 6% lệ phí trước bạ, trong khi ở TP HCM là 5%.
Giảm trước bạ là chính sách được các chuyên gia đánh giá là rất hiệu quả, bởi số tiền giảm thực tế rất đáng kể. Nếu xe 400 triệu, khách có thể tiết kiệm 20 triệu, nhưng xe 4 tỷ khách được ưu đãi tới 200 triệu. Ở phân khúc cỡ nhỏ, 20-30 triệu cũng là một vấn đề lớn với những người mua xe lần đầu, tài chính không quá dư dả. Vì vậy, đây là cơ hội vàng, khi kết hợp với những chính sách khác của hãng và đại lý để đẩy hàng tồn.
Thị trường không quá thay đổi từ sau khi Nghị định được ban hành, bởi chính sách luôn có độ trễ nhất định. Theo báo cáo của VAMA, doanh số toàn thị trường của xe lắp ráp trong tháng 7 chỉ tăng nhẹ 20% so với cùng kỳ tháng trước đó, đến tháng 8 giảm tới 20% do tháng Ngâu. Sang tháng 9, doanh số xe lắp ráp quay đầu tăng 28%, nhưng lúc này vẫn chủ yếu ảnh hưởng bởi lượng xe dồn từ tháng trước đó. Phải từ tháng 10, bắt đầu quý cuối năm, khách hàng mới nhận ra thời gian không còn nhiều, xe lắp ráp tăng 15% doanh số.
Các hãng lắp ráp cho biết đang có gắng sản xuất để kịp trả đơn cho khách hàng trước khi năm 2020 kết thúc. Nhưng thực tế sản xuất không thể đẩy nhanh ngay lập tức giữa tháng này với tháng khác, chưa kể nguồn cung linh phụ kiện cũng không thể thay đổi ngay được. Nếu thị trường giữ được nhịp mua hàng này, các hãng có xe lắp ráp có thể thở phào về một năm kinh doanh không quá bết bát vì Covid-19. Hồi đầu năm, ngành ôtô dự đoán mất khoảng 15-20% doanh số so với tháng trước, nhưng đến nay, nhiều hãng hy vọng với chính sách này, mức giảm sẽ nhỏ hơn nhiều con số dự đoán, thậm chí có thể ngang bằng số bán năm ngoái.
Đây không phải lần đầu Chính phủ cứu các hãng xe lắp ráp trong nước. Năm 2017, khi tất cá các hãng tính tới năm 2018 ngập tràn xe nhập vì thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, xe lắp ráp sẽ khó cạnh tranh, thì bất ngờ Nghị định 116 ra đời, biến xe nhập khẩu từ lợi thế về bất lợi. Cánh cửa lúc ấy đóng chặt với xe nhập khẩu, vì quy định Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) quá lạ lẫm với nhiều nước. Phải một năm sau đó, các hãng mới giải thành công bài toán giấy tờ để hoạt động trở lại bình thường.
Nhưng nhu cầu khách hàng lên cao không phải lý do duy nhất khiến xe lắp ráp giao chậm trong năm nay. Lý do khác nằm ở mạng lưới cung ứng linh kiện lắp ráp. Các hãng lắp ráp ở Việt Nam chủ yếu nhập linh kiện ở nước ngoài nên khá phụ thuộc vào việc phân chia linh kiện cho các thị trường. Khi sức mua ở Trung Quốc phục hồi, cũng là lúc các nhà máy đại lục hút hết nguồn linh kiện từ các OEM, những nhà máy ở thị trường nhỏ như Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc chờ, sản xuất với bộ linh kiện cầm chừng.
Tổng hoà của các yếu tố này, là một thị trường mà người bán nắm thế chủ động, một bức tranh quen thuộc nhiều năm qua. Nắm bắt tâm lý khách hàng, các đại lý của Hyundai, Toyota, Mazda... đua nhau cắt ưu đãi, đưa giá quay về mức niêm yết, thậm chí buộc khách mua thêm phụ kiện nếu muốn nhận xe sớm.
Tuy vậy, không phải tất cả đại lý hay tất cả các dòng xe lắp ráp đều có chính sách như vậy. Mitsubishi đang có suy nghĩ khác. Hãng này bán Xpander cả lắp ráp và nhập khẩu. Xpander lắp ráp được hưởng 50% trước bạ, vì vậy bản nhập khẩu cũng được hãng tặng luôn 50% trước bạ cũng như một năm bảo hiểm để cả hai có ưu đãi tương đương. Tổng giá trị khuyến mãi gần 42 triệu đồng. Hãng này cho biết không cắt ưu đãi vì muốn khẳng định không có sự khác biệt giữa bản nhập và bản lắp từ cả mẫu mã, chất lượng đến giá cả, đồng thời chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Honda cũng làm tương tự với CR-V. Giá niêm yết giữ nguyên, hãng xe Nhật và đại lý tặng tiếp 50% trước bạ còn lại, tức khách mua xe không mất tiền trước bạ. Đại lý tặng thêm 30-50 triệu đồng tiền phụ kiện, nhưng không được quy đổi ra tiền mặt. Honda muốn CR-V duy trì được vị thế trước các đối thủ CX-5 và Tucson.
Việc Mitsubishi và Honda giữ các mức ưu đãi sẽ khiến khách hàng phải phân vân nhiều khi lựa chọn giữa các mẫu xe trong cùng phân khúc, giữ thị trường cân bằng hơn, người mua không bị thất thế trong cuộc thương lượng giá xe với đại lý.
Chính phủ đã đẩy "gió thổi ngược chiều" trên thị trường ôtô Việt với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp. Từ chỗ tưởng rằng khách hàng lác đác vì kinh tế khó khăn, nay các hãng lại chứng kiến khách tìm đến ồ ạt. Hãng từ người chịu bão, nay trở thành người điều khiển bão, dù trong lòng cơn bão, lại cũng có những cơn gió thổi ngược, như Xpander hay CR-V.
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn: